Đêm khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình 2024 diễn ra ngày 6/7/2024 là điểm nhấn ý tưởng của chương trình khung Lễ hội Vì Hòa bình mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, lần đầu tiên được tỉnh Quảng Trị tổ chức tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Chương trình sẽ được VTV truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia. Thông điệp của lễ hội là chung tay kiến tạo hòa bình, với điểm nhấn là cầu Hiền Lương bắc nhịp cầu kết nối với thế giới và nhấn mạnh di sản văn hóa là nơi hội tụ lắng đọng bản nguyên của hòa bình.
Chương trình âm nhạc có nhiều ca khúc quen thuộc của Việt Nam và ngôn ngữ âm nhạc quốc tế. Không gian trình diễn lễ hội từ sân khấu trung tâm ở bờ Nam sông Bến Hải kết nối với cầu Hiền Lương hướng tới cột cờ giới tuyến. Chủ đề đếm khai mạc lễ hội kết nối nhịp thời gian, nhấn mạnh hòa bình không tự nhiên mà có, phải gắn chặt tay nhau để dựng xây nên.
Tổng thời gian truyền hình trực tiếp khoảng 80 - 85 phút trên sóng truyền hình quốc gia. Theo đó, sau phần phát biểu khai mạc của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo trung ương là nghi thức khai mạc có hồi chuông hòa bình và chương trình nghệ thuật, bắn pháo hoa tầm thấp.
Chương trình nghệ thuật có 3 chương, gồm: chương 1 “Khúc hoan ca”, gợi mở hình dung ý niệm hòa bình, giá trị của tình yêu thương; chương 2 “Thanh âm kết nối”, nêu bật Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, là gạch nối kiến tạo hòa bình và Quảng Trị với cây cầu Hiền Lương mang nỗi đau chia cắt trở thành biểu tượng khát vọng thống nhất, hòa bình, hòa hợp dân tộc; chương 3 “Lời nguyện ước”, chuyển tải thông điệp chung tay kiến tạo hòa bình, mang lại khát vọng một thế giới hòa hợp, nối vòng tay lớn.
Ngôn ngữ bằng tay và âm nhạc sẽ nối vòng tay chung khát vọng tinh thần đoàn kết toàn cầu, hòa hợp không phân biệt màu da, dân tộc, để cùng nhau kết nối xây dựng nền hòa bình nhân loại. Câu chuyện riêng của Quảng Trị tập trung ở chương 2 “Thanh âm kết nối” với điểm nhấn cầu Hiền Lương và sông Bến Hải bên nhớ bên thương đan cài trong nỗi niềm chia cắt qua ca khúc “Câu hò bên bến Hiền Lương”; liên khúc “Tự nguyện” và “Tổ quốc ơi ta đã nghe”, “Bài ca thống nhất” vang lên nối những bờ vui...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đánh giá cao kịch bản đêm khai mạc, đồng thời lưu ý chương trình cần đảm bảo tính phổ quát hòa bình nhân loại và đặc trưng riêng có của tỉnh Quảng Trị là nơi phù hợp nhất tổ chức lễ hội hòa bình. Lựa chọn di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là địa điểm tổ chức lễ hội lần thứ nhất rất ấn tượng, đã kết hợp giữa thực cảnh và công nghệ để tạo điểm nhấn.
Năm 2024 cũng là năm kỷ niệm 70 năm ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương, và cầu Hiền Lương - sông Bến Hải ở Quảng Trị trở thành nơi chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam, nên lựa chọn chủ đề của lễ hội gắn kết những nhịp cầu sẽ phù hợp hơn chủ đề gắn kết nhịp thời gian. Tiếng chuông hòa bình lan tỏa kết nối không gian các nhà thờ, đền chùa cầu nguyện hòa bình là ý tưởng riêng có của Lễ hội Vì Hòa bình.
Từ đó, trong chương trình cần lấy hình ảnh bạt ngàn nghĩa trang Quảng Trị để chạm vào mất mát, nỗi đau chiến tranh của tất cả các bên và hình ảnh đại sứ Mỹ đi thắp hương ở 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9 để nói câu chuyện gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, chung tay kiến tạo hòa bình hiện hữu cho nhân loại để tạo điểm nhấn Lễ hội Vì Hòa bình của tỉnh Quảng Trị.
Khẩn trương hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu Lễ hội Vì Hòa bình để truyền thông về lễ hội đến với bạn bè trong nước và thế giới. Về chương trình nghệ thuật, cần bổ sung ca khúc Khát vọng Quảng Trị của nhạc sĩ Võ Thế Hùng, thể hiện khát vọng bứt phá đi lên của tỉnh Quảng Trị sau ngày hòa bình.
Câu chuyện hòa bình là của nhân loại, khát vọng hòa bình trên mảnh đất chịu nhiều đau thương mất mát ở Quảng Trị được lồng vào trong chương trình, nhưng phải sưu tầm hình ảnh đẹp nhất của Quảng Trị đưa vào chương trình để đem lại hiệu quả kép quảng bá phát triển du lịch Quảng Trị thông qua lễ hội.
Tác giả: admin
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn